1. Vị trí, địa lý, diện tích, dân số
Xã Cẩm Hoàng nằm ở phía Tây Bắc huyện Cẩm Giàng, phía bắc giáp hai xã Phú Lương và Trung Chính huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh); phía nam giáp hai xã Cẩm Định và Cẩm Sơn (nay là Định Sơn); phía tây nam giáp xã Thạch Lỗi; phía đông giáp hai xã Cẩm Văn và Cẩm Vũ.
Đầu năm 1945, toàn xã Cẩm Hoàng có 665 hộ, với 2917 nhân khẩu. Diện tích canh tác có 1472 mẫu bắc bộ.
Hiện nay Xã Cẩm Hoàng nằm cách xã trung tâm huyện nên không có các khu công nghiệp, là một xã thuần nông, sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia xúc gia cầm là chính, ngoài ra còn phát triển một số ngành nghề dịch vụ thương mại, buôn bán gỗ, buôn các mặt hàng thiết yếu, hàn xì, nghề mộc, thợ xây…..diện tích tự nhiên là 784,87 ha, dân số 9.187/ 2.709 hộ, xã có 05 thôn,
Đảng bộ xã có 310 đảng viên, trong đó đảng viên chính thức là 305 đồng chí; 05 đảng viên dự bị, sinh hoạt tại 11 chi bộ gồm 05 chi bộ nông thôn; 06 chi bộ chuyên. Ban chấp hành đảng bộ xã có 13 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng ủy 03 đồng chí.
2 Quá trình hình thành, thay đổi tên gọi, địa giới hành chính
Xã Cẩm Hoàng trước cách mạng tháng 8/1945 gọi là tổng Bằng Quân, gồm có các xã Bằng Quân, Phú Quân, Phí Xá, Ngọc Lâu, Nga Hoàng, Quý Khê, Trạm Nội, Trạm Ngoại hình thành từ năm 1882. Sau cách mạng tháng 8-1945 sáp nhập thôn Kim Đôi thuộc tổng Thạch Lỗi cũ.
Tháng 3-1946 xã nhà được đổi tên là xã Hưng Đạo. Đầu năm 1946 do yêu cầu của cuộc kháng chiến, huyện quyết định hợp nhất hai xã An Điềm và Hưng Đạo lấy tên là xã Bình Định. Xã Bình Định gồm 14 thôn. Hoà bình lập lại, năm 1956, do yêu cầu chia xã nhỏ cho phù hợp với thực tế xã Bình Định được tách ra, các thôn Kim Đôi, Phí Xá, Ngọc Lâu, Nga Hoàng, Quý Khê, 19-5 lập thành một xã lấy tên là xã Cẩm Hoàng. Năm 1961 khi Bác Hồ về thăm Hải Dương thôn Nga Hoàng đã được đổi tên thành thôn Phượng Hoàng.
3. Đặc điểm kinh tế, văn hoá - xã hội
Cẩm Hoàng là xã nằm trong khu vực đồng bằng, có hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi. Đường 5B từ thị trấn Cẩm Giàng đến đê Văn Thai (đoạn qua xã có chiều dài trên 3 km), đường liên xã Cẩm Hoàng - Phú Lương có chiều dài 2,7 km đều được trải nhựa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong xã, đồng thời tạo cho Cẩm Hoàng lợi thế đặc biệt về giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội.
Nông nghiệp là ngành sản xuất truyền thống lâu đời trong xã. Đất đai bằng phẳng, màu mỡ, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, có khả năng đa dạng hoá các sản phẩm lúa đặc sản, rau mầu phát triển như cà rốt, bí xanh, ớt, ... Cẩm Hoàng là một trong những nơi đi đầu trong việc trồng lúa bằng phương pháp gieo thẳng, làm mạ sân, cấy mạ non, đưa các giống lúa mới vào sản xuất. Năng suất lúa của xã nhiều năm đứng đầu toàn huyện.
Cùng với nông nghiệp, nhân dân trong xã còn được khuyến khích mở rộng các mô hình kinh tế dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, đa dạng hoá các ngành nghề. Mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp đào ao, đắp đập thành ao nuôi cá phát triển mạnh. Tiêu biểu cho mô hình này là nhân dân thôn Phượng Hoàng. Đây cũng là một trong 5 thôn của xã Cẩm Hoàng có làng nghề : Nghề thợ đấu Nga Hoàng. Trong quá trình lịch sử, thợ đấu Nga Hoàng đã đóng góp đáng kể vào việc đắp đê, kè sông, đào cừ, xây dựng những công trình quân sự và dân dụng. Ngày nay, làng nghề thợ đấu Nga Hoàng vẫn được duy trì và phát huy giá trị trong trồng trọt và chăn nuôi làm giàu cho người dân trong xã. Đời sống nhân dân đang dần trở nên sung túc.
Cẩm Hoàng là một trong những xã trong huyện Cẩm Giàng có truyền thống văn hoá, giáo dục phát triển. Trong những năm đổi mới, phong trào xây dựng đời sống văn hoá được nhân dân trong xã hưởng ứng tích cực. Nhiều thôn đã được UBND tỉnh tặng danh hiệu "Làng văn hoá" : Quý Khê (năm 1998), Phí Xá (năm 2000), Ngọc Lâu (năm 2001), (Thôn 19/5 năm 2002 nay là thôn Kim Đôi), Kim Đôi (năm 2004). Trong xã có 5/5 thôn có di tích Đình được công nhận, Di tích được công nhận cấp Quốc Gia Đình Kim Đôi, Đình Nghè Ngọc Lâu, Đình Quý Khê, di tích được công nhận cấp tỉnh Đình Phượng Hoàng, Đình Phí Xá, ngoài gia các di tích kiểm kê gồm Chùa Thiên Phúc thôn Phí Xá, Chùa Sùng thôn Phượng Hoàng, Chùa Trung Tâm, Chùa Tây, Chùa Tân Lập thôn Kim Đôi, Chùa Phúc Hưng thôn Ngọc Lâu, Chùa Thanh Tín thôn Quý Khê, Các di tích lịch sử được nhân dân trong xã trùng tu bảo tồn với 5/5 ngôi đình của các thôn : Kim Đôi, Phí Xá, Phượng Hoàng, Quý Khê được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh. Đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân địa phương mỗi thôn. Đình Kim Đôi xưa là miếu thờ Pháp Vân, Pháp Lôi và Pháp Điện. Qua các thời đại phong kiến ghi nhận; đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân và Trần Quốc Tuấn trong kháng chiến chống Nguyên - Mông đều đến Kim Đôi cầu đảo linh ứng. Thành tục lệ cứ vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, thôn nào cũng tổ chức ngày hội làng truyền thống với các tập tục văn hoá, các nghi lễ cúng tế Thành Hoàng cầu cho mưa thuận, gió hoà, xóm làng yên vui, mọi nhà hạnh phúc.
Người Cẩm Hoàng cũng như bao người dân khác trong huyện Cẩm Giàng đều có những phong tục, tập quán tốt đẹp mà điển hình là thờ cúng tổ tiên, hướng về nguồn cội...Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tổ chức tang lễ, giỗ chạp trong các gia đình, các chi họ (gọi là gia lễ) là việc hiếu tự ngàn xưa đã in sâu trong tâm linh mọi người. Ngoài ra hầu hết các dòng họ trong xã còn có nhà thờ Tổ (nhà thờ họ). Hàng năm, ngày giỗ, Tết con cháu trong mỗi dòng họ lại làm lễ để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cầu cho mình có nhiều phúc, tránh tai hoạ, làm ăn gặp nhiều may mắn, được giàu sang phú quý.
Người dân Cẩm Hoàng từ xưa tới nay có những đức tính tốt đẹp : sống bao dung, nhân hậu, hiếu học, nghĩa khí quả cảm. Trong những năm thực dân Pháp đô hộ, mặc dù địch đóng đồn bốt tại địa phương, càn quét ác liệt hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến trong nhân dân. Nhưng nhân dân Cẩm Hoàng vẫn anh dũng, hiên ngang bám đất, bám làng, vẫn động viên con em tham gia kháng chiến, vào quân du kích, đi bộ đội, đào hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ trong nhà. Một lòng, một dạ đi theo cách mạng, theo kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ và những năm đầu hoà bình lập lại, đời sống nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân trong xã Cẩm Hoàng nói riêng gặp vô vàn khó khăn thử thách, song với tinh thần lá lành đùm lá rách, nhân dân trong xã đã cùng nhau nhường cơm, sẻ áo để giúp nhau vượt qua khó khăn. Động viên con em ra sức học tập để ngày mai lập nghiệp.
Trong những năm thực dân Pháp đô hộ, toàn xã chỉ có 1 trường tổng sư và 2 trường hương sư ở 2 làng Kim Đôi và Phượng Hoàng. Số người được học rất ít, đa số mù chữ. Cách mạng tháng 8/1945 thành công từ đây nhân dân Cẩm Hoàng được hưởng một nền giáo dục cách mạng, các địa phương trong xã hăng hái tổ chức các lớp bình dân học vụ giúp cho hàng nghìn người biết đọc, biết viết. Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân xã Cẩm Hoàng vẫn tích cực xây dựng trường học, lớp học sơ tán, làm hầm trú ẩn cho con em học tập. Trong những năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, các trường học được xây kiên cố cao tầng đảm bảo chuẩn hoá. Tự hào vì cẩm Hoàng là xã đi đầu huyện trong phong trào phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở (hoàn thành năm 1991 và 1997). Toàn xã có 1 trường mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường Trung học cơ sở. Tỉ lệ học sinh lên lớp luôn đạt ở mức cao. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, giáo dục mũi nhọn ngày càng tiến bộ. Tính từ năm 1997 đến nay năm nào cũng có học sinh giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh, nhiều năm xã có những em đoạt giải cấp Quốc gia. Các trường trong xã nhiều năm đạt danh hiệu Tiên tiến và Tiên tiến Xuất sắc, xã nhiều năm đạt danh hiệu "Xã giáo dục Tiên tiến".Nhiều thầy cô giáo được nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Trong thời kì thuộc Pháp xã Cẩm Hoàng không có y sỹ. Việc phòng chữa bệnh trong dân không được ngó tới. Nhân dân đau ốm không có thuốc men. Bệnh dịch tả, đậu mùa, sởi ... diễn ra thường xuyên, sức khoẻ nhân dân luôn bị đe doạ. Từ sau cách mạng tháng 8, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu đáng kể. Mạng lưới y tế từ chỗ chưa có đến nay xã đã có 1 trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Trạm có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 2 y tá, 1 nữ hộ sinh để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
II. TRUYỀN THỐNG CỦA NHÂN DÂN CẨM HOÀNG
1. Truyền thống đấu tranh với thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống
Cẩm Hoàng xưa kia là là một vùng đất triều trũng, đầm lầy và lau sậy. Con người nhiều nơi đến ngụ cư trên các gò đất cao lập nên các trang trại thôn ấp. Đó là tổ tiên, cha ông của hàng chục dòng họ ở các thôn trong xã Cẩm Hoàng ngày nay. Qua hàng ngàn năm, trải qua biết bao biến cố lịch sử, đấu tranh vật lộn với thiên nhiên : đắp đê, ngăn lũ, khai hoang, mở đất tổ tiên, cha ông ta mới tạo dựng Cẩm Hoàng trở thành vùng đất gieo trồng trù phú như ngày nay.
2. Truyền thống hiếu học
Cẩm Hoàng là xã có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống đó được bồi đắp qua các thế hệ. Dưới chế độ phong kiến Nguyễn Diệu Huy - người xã Phí Xá (nay là thôn Phí Xá, xã Cẩm Hoàng ngày nay). Năm 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1478). Phát huy truyền thống đó ngày nay, toàn xã đã thêm có 8 tiến sĩ.
3. Truyền thống đấu tranh
Đi đôi với truyền thống xây dựng quê hương, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cũng thật sáng chói. Từ thời đại các Vua Hùng thứ 16 đến thế kỉ thứ 18, nhiều người con của quê hương Cẩm Hoàng đã có công dựng nước và giữ nước như tham gia đánh giặc Ân, giặc Tống - Nguyên - Minh ... Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Cẩm Hoàng cũng đã có công tham gia vào các phong trào do các sĩ phu yêu nước chiêu mộ như : xây dựng cơ sở, vận động quần chúng tham gia đánh Pháp. Nhiều người trong xã tham gia vào nghĩa quân ngày đêm rèn đúc vũ khí, luyện tập quân sự, đóng góp tiền gạo để nuôi quân. Bọn thực dân Pháp nhiều lần đem quân về vây bắt đã bị nghĩa quân đánh trả quyết liệt.
Đối với bọn Tổng, Lý trong xã, chúng đã dựa vào uy thế của quan thầy Pháp, ra sức bóc lột nhân dân lao động. Không thể chịu đựng hơn, một số người ở các thôn trong xã đã tự phát vùng lên đánh trả. Sau đó nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh nổ ra trong xã. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh chống chủ ấp Ba Lãng buộc chúng phải nhượng bộ.
Từ khi có đảng lãnh đạo, các phong trào đấu tranh trong xã như được tiếp thêm sức mạnh. Đúng sáng ngày 17- 8-1945, một khí thế cách mạng lên cao chưa từng có, nhân dân xã Cẩm Hoàng cùng với nhân dân các xã bạn từ các ngả đường tiến vào huyện đường. Trước khí thế của hàng ngàn quần chúng, bọn Lục Sự, Thừa Phái và binh lính phải đầu hàng. Việc giành chính quyền ở huyện thắng lợi hoàn toàn.
Thực dân Pháp lại quay trở lại hòng cướp nước ta một lần nữa. Chúng ra sức càn quét, vơ vét của cải, đốt phá, bắn giết, xây dựng đồn bốt tại Cẩm Hoàng. nhân dân xã Cẩm Hoàng quyết không chịu làm nô lệ. Theo tiếng gọi của Đảng lần lượt con em xã nhà được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên trong xã đã làm cho khí thế đấu tranh của nhân dân càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, 9 năm kháng chiến chống Pháp nhân đân Cẩm Hoàng đã làm nên những kì tích : Tổ chức 314 du kích; Du kích đánh và phối hợp 36 trận; Phá hoại hàng trăm lượt trên đường sắt; Đào đắp hàng ngàn mét hào; Đắp hàng chục ụ đất trên mặt đường; Đào hàng ngàn hầm bí mật; Đánh mìn hàng chục lần trên đường sắt, diệt 250 lính Âu Phi; Huy động hàng ngàn dân công làm cầu kè, đưa đón cán bộ, tải thương vũ khí, làm hàng chục thuyền nan, làm 4 cầu tre và làm 2 kè qua sông; Vận động 159 thanh niên tòng quân; Nhân dân đóng hàng trăm tấn thóc nuôi quân; Nuôi giấu nhiều cán bộ chủ chốt trong huyện,...
Kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống Pháp, cùng với nhân dân miền Bắc XHCN nói chung, nhân dân Cẩm Hoàng lại nung nấu ý chí quyết tâm đánh Mĩ. Với khẩu hiệu tất cả cho chiến thắng, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, hàng trăm cán bộ, Đảng viên thanh niên trong xã đã tình nguyện ra chiến trường chiến đấu. Ở quê hương với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" mọi người ngày đêm dồn sức cho cách mạng Miền Nam, tích cực tăng gia sản xuất, học tập vừa để củng cố vững chắc XHCN ở Miền Bắc vừa để đóng góp sức người, sức của cho Miền Mam và góp phần làm lên thắng lợi cuối cùng "Độc lập tự do, thống nhất đất nước".
Trong những năm gần đây đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 70,4 ha, vùng trồng lúa chất lượng cao chiếm 70% tổng diện tích lúa của toàn xã theo hướng tập trung chuyên canh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra xã còn phát huy thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc gia cầm,đặc biệt là chăn nuôi lợn, gà đẻ gà thịt. xã hiện có hai trang trại chăn nuôi lợn theo hướng liên danh liên kết với số lượng từ 500 – 3.000 con.
Ngoài phát triển thế mạnh của địa phương về nông nghiệp, Nhân dân trong xã còn tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động, buôn bán nhờ đó thu nhập của nhân dân ngày càng được nâng cao góp phần cải thiện đời sống cả về tinh thần và vật chất. Nhiều ngôi nhà được kiên cố hóa, nhà cao tầng mọc lên, đường giao thông thôn xóm được bê tông hóa 100%,
Năm 2016 xã đã được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành quả lớn lao thể hiện sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong xã. Năm 2021 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đang tiếp tục đầu tư, phát triển phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã, còn có những thành tích không nhỏ của các trường học và trạm y tế xã. Hiện nay xã có 3/3 nhà trường đều đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia mức độ I và đang từng bước phấn đấu tiến lên chuẩn Quốc gia mức độ II. Năm 2016, xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2016-2020.